Với mục tiêu khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế biển đảo, huyện Cô Tô đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá.
Đảo Cô Tô.(Ảnh: Biennho Nguyen)
Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ là nơi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân như dầu diezel, nước ngọt, hàng đông lạnh, lương thực, vật tư ngư nghiệp… cho khoảng 2.000 tàu đánh bắt hải sản. Đồng thời sẽ là đầu mối vận tải hàng hoá lớn nhất, đặt nền tảng phát triển cho ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản của huyện đảo.
Mặc dù có thế mạnh về khai thác thuỷ sản với 1.000 loài cá, trong đó có khoảng 60 loài có giá trị kinh tế cao, nhiều loại quý hiếm mà ít địa phương nào có được, như ngọc trai, bào ngư, tu hài, trân châu, hồng, song, mú… nhưng do khó khăn về khoảng cách, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, công tác bảo quản, sơ chế… nên việc đánh bắt thuỷ sản ở Cô Tô chủ yếu vẫn ở gần bờ.
Cầu Mỵ (Ảnh: Biennho Nguyen)
Điều này đã khiến cho nguồn lợi thuỷ sản của địa phương đang phải đối mặt với nhiều thách thức, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Để có thể khắc phục những hạn chế trên, năm 2007, Dự án Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc Bộ tại huyện đảo Cô Tô được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quyết định đầu tư.
Cô Tô có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. (Ảnh: Biennho nguyen)
Dự án gồm có các hạng mục: Đê chắn sóng kết hợp bến cập tàu 600CV có chiều dài 900m; đường ra bến cập tàu dài 1,775km; san nền và kè khu hậu cần kết hợp bến cập tàu 150CV; nhà điều hành, chợ đầu mối 2 tầng, diện tích sàn mỗi tầng trên 2.000m2; nhà tiếp nhận và phân loại thuỷ hải sản, kho đông lạnh; nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại; nhà máy sản xuất nước đá; khu cung cấp xăng dầu; trung tâm thương mại cung cấp ngư cụ, lương thực, thực phẩm cho ngư dân; khu đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và các công trình phụ trợ khác như hệ thống phao neo, biển báo luồng, đèn báo bão để thực hiện chức năng neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền của khu vực… Tổng mức đầu tư của dự án là trên 466,7 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn chương trình Biển Đông – Hải đảo, vốn ngân sách tỉnh, vốn huy động từ các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội. Năm 2009 dự án chính thức được khởi công với thời gian thực hiện là 5 năm. Đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành (90%) các hạng mục quan trọng như: Đường ra khu hậu cần; đê chắn sóng kết hợp bến cập tàu 600 CV; hệ thống phao neo cho tàu thuyền. Đối với công trình san nền phần phụ trợ đấu nối với bờ và dự trữ phát triển kết hợp bến cập tàu 150CV hiện đang được nhà thầu gấp rút triển khai thi công.
Hoàng hôn trên Cô Tô. (Ảnh: Chitto – Phượt)
Trong năm 2014, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn huyện Cô Tô sẽ được đưa vào hoạt động. Sau khi Ủy ban nhân dân huyện hoàn thành các nội dung đầu tư trong khu dịch vụ hậu cần, sẽ là phần đầu tư từ các doanh nghiệp để thực hiện đầu tư và khai thác dự án trong các lĩnh vực ngành nghề: chế biến hải sản, tập trung chế biến sâu, phát triển một số thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm thuỷ hải sản như: mực Cô Tô, cá duội Cô Tô, hải sâm, sứa, nước mắm…; sản xuất nước đá, sửa chữa tàu thuyền, cung cấp nhiên liệu, bảo quản hải sản và các dịch vụ khác phục vụ cho khai thác đánh bắt, chế biến hải sản. Ngư dân sẽ được tạo những điều kiện và cung cấp đầy đủ các dịch vụ để yên tâm bám biển dài ngày.
Ốc móng tay Cô Tô.
Như vậy, việc hoàn thành xây dựng Trung tâm và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ sẽ góp phần đưa nơi đây thực sự trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sầm uất của cả khu vực Vịnh Bắc Bộ. Đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản của huyện, chắc chắn kinh tế – xã hội của huyện Cô Tô sẽ khởi sắc trong thời gian tới.
No Responses to “Cơ hội và thách thức nơi huyện đảo Cô Tô”